Dịch Covod-19 kéo dài, hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, hàng ngàn công nhân, người lao động trên cả nước rơi vào tình trạng mất việc, đối diện với những khó khăn về cơm áo gạo tiền.
Trong lúc toàn xã hội đang khó khăn, bên cạnh gói cứu trợ của Chính phủ, không ít cá nhân, tổ chức đã chung tay hỗ trợ những người khó khăn hơn. Những điểm phát gạo, mỳ tôm, trứng, dầu ăn... hay chỉ đơn giản là cái bánh mỳ, hộp sữa biên dịch ủng hộ những người khó khăn cũng thật nhiều ý nghĩa.
Tại các điểm phát hàng từ thiện đều có thông điệp "Ai cần đến lấy. Nếu bạn cần hãy lấy 1 phần. Nếu bạn đã ổn, xin nhường lại cho người khác".
Ở bất cứ điểm thiện nguyện nào, người ta cũng thấy dòng chữ ấm áp tình người: “nếu bạn thấy cần, hãy lấy 1 phần”.
Ngay phía dưới, cũng có dòng chữ: “nếu bạn đã ổn, xin nhường lại cho người khác”.
Thế nhưng, những ngày qua, dư luận xôn xao hình ảnh của những người ăn vận trang phục đẹp đẽ, đi xe sang, nhưng vẫn đỗ lại lấy hàng từ thiện gây ra nhiều tranh luận trái chiều.
"Tôi muốn dành cho những người thực sự cần"
Đã 5 ngày nay, chị Trương An Xinh cùng một người bạn của mình tự bỏ tiền túi ra để mua quà cứu trợ những người khó khăn trong mùa dịch Covid-19 . Chị Xinh tổ chức phát quà tại 7 điểm, ở các quận khác nhau trong thành phố Hà Nội. Mỗi xuất quà là những nhu yếu phẩm hàng ngày như gạo, mỳ tôm, trứng...
Chia sẻ về hoạt động của mình, chị Xinh cho biết, chị may mắn được sự hỗ trợ về sức lực của một số người em cùng công ty, bạn bè trong các nhóm chuyên đi từ thiện trên facebook hỗ trợ đứng phân phát hàng cứu trợ tại các điểm.
Vốn có công việc kinh doanh riêng, song những ngày này, chị Xinh dành nhiều thời gian hơn cho việc mua hàng, cùng mọi người đóng gói hàng hóa, đứng phát quà cho những người gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19.
“May mắn có rất nhiều bạn nhiệt tình hỗ trợ, để có thể chia ra làm nhiều điểm. Nếu như trước kia, chỉ cần đặt hàng sẽ có tận nơi, nhưng đang mùa dịch, hoạt động vận tải đều bị hạn chế, nhóm phải tự lên Vĩnh Phúc để chở gạo về Hà Nội đóng gói.
Sức người có hạn, nhưng công việc lại nhiều, mọi người làm ngày làm đêm để chuẩn bị cho kịp. Nhìn các bạn giúp đỡ mình vất vả cũng xót lắm. Nhưng vẫn nói vui với nhau rằng, công việc ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, mệt nhưng vui và ý nghĩa. Nói một cách sến sẩm, thì những lúc khó khăn, mới thấy tình cảm lên ngôi, thấy được sự đồng lòng, đoàn kết của mọi người”, chị Xinh chia sẻ.
Với chị Xinh, niềm vui trong những ngày này, là khi được chứng kiến những món quà của mình được trao đến những người thực sự khó khăn và đang cần hỗ trợ.
“Mỗi lần làm từ thiện mới thấy có rất nhiều người khó khăn. Như cô Nhơn từ Thái Bình lên Hà Nội làm thuê, mùa này đang thất nghiệp, chú Dũng ở Cao Bằng, cô Hải ở Nghệ Tĩnh.... và có đến hàng ngàn người giống như họ.
Hỏi ra thì biết họ đều làm nghề nhặt ve chai, lao công, không quản bất cứ công việc nặng nhọc nào, chỉ mong kiếm được tiền để trang trải cuộc sống. Thường ngày, những người này chủ yếu nhặt ve chai ở các nhà hàng, quán ăn, nhưng nay đã đều đóng cửa, nên không có gì để làm”, chị Xinh kể.
Chị Xinh chia sẻ, từng có thời gian làm báo, sau đó chuyển sang kinh doanh, có cơ hội được đi đến nhiều nơi, từ miền núi, đến hải đảo xa xôi, hay cả những “xóm liều”, chị hiểu và đồng cảm với những khó khăn của người lao động.
Trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em, có cả những lao động từ tỉnh lẻ lên thành phố kiếm sống, nay vì dịch bệnh mà rơi vào cơn bĩ cực.
“Tôi làm chỉ với một mong muốn có thể giúp được những người thực sự khó khăn trong mùa dịch”.
Song chị Xinh cũng chia sẻ thật, trong những ngày qua, nhiều người không khó khăn, nhưng vẫn đến nhận hàng cứu trợ khiến nhiều người bất bình. “Có người đi chợ về tay xách nách mang cả túi đồ đủ thứ cá thịt, rau hoa quả, nhưng vẫn đỗ lại để lấy gói bột canh, túi gạo.
Có người nói rằng, đây là hàng của công ty phát, miễn phí, tội gì không lấy. Số lượng những người này so với nhóm lao động thực sự khó khăn không nhiều, chúng tôi vẫn phát quà, nhưng hy vọng có thể dành phần quà đó cho những người thực sự cần”.
Chị Trần Phương Lan (Lê Duẩn, Đống Đa) những ngày này cũng tự chuẩn bị đồ để phát từ thiện ngay trước cửa nhà mình cạnh đường tàu đoạn Lê Duẩn.
Chị Trần Phương Lan tự bỏ tiền túi mua gạo, mỳ tôm phát cho những người gặp khó khăn. |
Chị Lan chia sẻ, sống cạnh đường tàu, công viên, ngày nào chị cũng chứng kiến những người lao động, người vô gia cư vật vạ qua đêm ở ghế đá, bữa ăn đôi khi chỉ là cái bánh mỳ khô, chai nước lọc, họ đi lượm ve chai sống qua ngày. Với mong muốn chia sẻ khó khăn với mọi người trong mùa dịch. Chị Lan quyết định bỏ tiền túi để mua đồ ủng hộ những người khó khăn.
Mỗi suất quà của chị Lan gồm 10 cân gạo, 1 thùng mỳ tôm, 1 chai dầu ăn. “Ban đầu tôi chỉ chuẩn bị 100 suất quà, nhưng không ngờ, trong ngày đầu tiên đã hết 300 suất, lại phải đi mua thêm. Cũng đến lúc này, mới thấy xung quanh mình còn nhiều người khó khăn đến thế. Có nhiều người chuyên chạy xe ôm, bán hàng rong đi từ Pháp Vân, Tứ Hiệp về để nhận quà”.
Đến hôm nay khi hết gạo, hết mỳ, chị Lan lại tiếp tục đi mua bánh mỳ ruốc, sữa để phát “tạm”. “Với nhiều người bán hàng rong, xe ôm, từng ấy với họ cũng là một bữa, nên nếu cố được đến đâu thì tôi vẫn cố để làm”.
Chị Lan cho biết, trong 3 ngày phát hàng từ thiện, mỗi ngày chị cũng gặp vài trường hợp đi xe sang, mặc đẹp nhưng vẫn nhận quà từ thiện.
“Có cả người đi SH cũng dừng lại lấy, tôi vẫn cho bình thường và nói nếu anh thực sự cần thì lấy, còn nếu anh không thực sự cần thì có thể nhường cho người khác. Nhưng họ vẫn lấy. Mỗi ngày tôi phát hàng trăm suất quà cho hàng trăm người thực sự khó khăn, nên cảm thấy vui nhiều hơn".
Anh Nguyễn Hoài Anh, thành viên một nhóm phát quà từ thiện khác bày tỏ: “Chúng tôi cho rằng những người khó khăn họ mới lấy. Tôi không quan tâm họ đi xe gì, miễn là họ cảm thấy khó khăn và lương tâm không cắn rứt”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký Nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới hơn 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm được thụ hưởng gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động; Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét